Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm chỉ hạn chế ở niêm mạc dạ dày. Đây là bệnh thường gặp, khởi phát và diễn biến nhanh chóng do tác dụng của tác nhân độc hại hoặc nhiễm khuẩn ở niêm mạc dạ dày. Viêm dạ dày cấp thường xuất hiện nhanh, mất đi nhanh và không để lại di chứng. Nhưng nếu không được phát hiện sớm và biết cách điều trị đúng sẽ dẫn đến viêm dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày.
Viêm dạ dày có thể do yếu tố nội sinh hoặc ngoại sinh. Yếu tố ngoại sinh thường gặp là virut, vi khuẩn và độc tố của chúng, thức ăn quá nóng, lạnh hoặc bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc do vi khuẩn: tụ cầu, E.coli..., các chất ăn mòn, các kích thích nhiệt, dị vật hay một số loại thuốc như aspirin ... Yếu tố nội sinh thường do đường máu trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp (viêm phổi, viêm ruột thừa, thương hàn...), bỏng, nhiễm phóng xạ, chấn thương sọ não..., dị ứng thức ăn (tôm, cua, ...).
Khi bị viêm dạ dày cấp, người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu, lưỡi bẩn, miệng hôi, sốt 39 - 40oC, thường kèm theo viêm ruột, tiêu chảy.
Viêm niêm mạc dạ dày. |
Trong bệnh viêm dạ dày cấp tính, quá trình viêm diễn ra từ vài giờ đến vài ngày, hồi phục nhanh và hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu người bệnh không hạn chế những thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày như rượu, bia, ớt, tỏi, ..., những món ăn gây khó tiêu như chất béo, thức ăn chiên xào, gân sụn, hay những thực phẩm gây đầy hơi như nước giải khát có gas, ... thì viêm dạ dày cấp rất dễ tái phát và nếu bị nhiều đợt có thể chuyển thành viêm mạn tính do niêm mạc bị phá huỷ liên tiếp và có vai trò của cơ chế miễn dịch.
Khi nghi ngờ bị viêm dạ dày cấp, người bệnh cần:
- Ngưng ngay việc sử dụng các chất có hại cho dạ dày.
- Nên uống lòng trắng trứng hoặc sữa bò loãng.
- Ăn thức ăn loãng, mềm, dễ tiêu và đủ dinh dưỡng để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nên ăn chậm, nhai kỹ, giữ khoảng cách đều đặn, hợp lý giữa các bữa ăn. Lúc đầu, nên ăn những thức ăn loãng; sau đó, người bệnh có thể dần dần ăn những thức ăn đặc hơn.
Nếu không đỡ, bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà nên đến khám tại các cơ sở y tế. Tại đây bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm để chẩn đoán:
- Nội soi dạ dày: Thấy niêm mạc dạ dày phù nề xung huyết đỏ rực, có những đám nhầy dày hoặc mỏng, Các nếp niêm mạc phù nề, niêm mạc kém bền vững, dễ xuất huyết, vết trợt.
- Dịch vị: tăng tiết dịch, tăng toan, trong dịch có BC, tế bào mủ.
- X quang: Nếp niêm mạc thô, ngoằn nghèo, bờ cong lớn nham nhở, túi hơi rộng.
- Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng, công thức bạch cầu chuyển trái, máu lắng tăng.
Dựa trên sự thăm khám và các kết quả xét nghiệm, bác sỹ sẽ đưa ra chẩn đoán xác định cũng như mức độ bệnh, từ đó sẽ có hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân.
Thạc sĩ - Bác sĩ Vũ Mạnh Cường