Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) là nguyên nhân thường gặp (40%) của viêm mũi nói chung là tình trạng viêm niêm mạc mũi-xoang biểu hiện bằng các triệu chứng hắt hơi, ngạt, ngứa và chảy mũi, qua trung gian kháng thể và xảy ra do tiếp xúc với dị nguyên trong không khí. Bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng

VMDƯ là một tình trạng viêm mạn tính phổ biến nhất, đặc biệt ở những người dưới 18 tuổi. Ở Hoa Kỳ, tỉ lệ VMDƯ quanh năm ở nhóm học sinh trung học dưới 23 tuổi là 14,0%. Ở các nước châu Á, tỉ lệ mắc VMDƯ quanh năm ở Nhật là 18,7%, ở Hàn Quốc là 3,9%. Ở Việt Nam theo thống kê ước tính khoảng 12% dân số Việt Nam bị VMDƯ.

VMDƯ không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó làm cho chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề: nhức đầu, mất ngủ làm giảm tập trung, giảm năng suất lao động. Bệnh nhân thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi làm cho giao tiếp xã hội bị hạn chế khiến bệnh nhân bị mặc cảm, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt và tự cô lập. VMDƯ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tai mũi họng và đường hô hấp khác như: viêm tai giữa, viêm xoang, polyp mũi, hen phế quản... và do đó làm tăng chi phí điều trị, cả trực tiếp và gián tiếp. Theo thống kê tại Hoa Kỳ năm 1999, chỉ riêng tiền bán thuốc kháng histamin là 3 tỉ USD, thuốc steroid xịt mũi là 1 tỉ USD. Ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu nào được thực hiện về đề tài này, nhưng dự tính các chi phí này cũng cao đáng kể .

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

VMDƯ có 2 loại:

VMDƯ theo mùa và VMDƯ quanh năm. Nguyên nhân chính gây ra VMDƯ theo mùa là bụi phấn hoa và bào tử, do đó, bệnh phụ thuộc vào mùa và nơi ở. Đa số bệnh nhân VMDƯ quanh năm là do dị ứng với bọ bụi nhà . VMDƯ quanh năm có biểu hiện từ lúc còn nhỏ và bệnh có thể xuất hiện trong cả năm.

Triệu chứng

Các triệu chứng chính của VMDƯ gồm: ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài, chảy nước mũi loãng trong, nghẹt mũi, cay mắt, đỏ mắt hay chảy nước mắt,… Đa số các bệnh nhân đều có các triệu chứng trở nên nặng nề nhất vào buổi sáng.

VMDƯ được chẩn đoán dựa trên tiền sử của bản thân và gia đình về dị ứng và các triệu chứng lâm sàng. Các xét nghiệm dị ứng học được thực hiện để chẩn đoán xác định VMDƯ và tìm những dị ứng nguyên liên quan. Test tìm dị ứng nguyên có thể được thực hiện in vitro hoặc dưới da để xác định dị ứng nguyên đặc hiệu với kháng thể (Kích thước nốt mẩn đỏ xuất hiện sau khoảng thời gian từ 15 tới 20 phút sau khi thực hiện mũi lẩy trong da có chứa dị ứng nguyên được so sánh với mũi lẩy trong da chứa dung dịch muối sinh lý). Theo các nghiên cứu cho thấy mạt có trong bụi nhà là nguyên nhân chính gây viêm mũi xoang dị ứng, chiếm tỷ lệ từ 75-80%. Ngoài ra có các loại dị nguyên khác, như dị nguyên lông vũ, nấm mốc, phấn hoa...

Vệ sinh mũi đúng cách giúp hạn chế bị viêm mũi dị ứng.

Kiếm soát viêm mũi dị ứng

Các phương pháp điều trị không dùng thuốc

Thường xuyên rửa mũi bằng nước muối biển tinh chế.

Vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng. Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt nếu làm được như vậy sẽ hạn chế nấm mốc phát triển, tránh mạt bụi nhà.

Các phương pháp điều trị dùng thuốc

Người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ: tiếp xúc với dị nguyên như bụi nhà, khói, lông chó mèo... Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng. Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt nếu làm được như vậy sẽ hạn chế nấm mốc phát triển.

+ Thuốc kháng histamin đường uống: Có nhiều thế hệ thuốc kháng histamin, việc sử dụng các thuốc giúp giảm các triệu chứng của VMDƯ, tuy nhiên những thuốc này cũng có những tác dụng không mong muốn như: khô miệng, buồn ngủ,... và chỉ dùng được trong thời gian ngắn.

+ Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: Ngày nay với sự ra đời của các thuốc xịt mũi thế hệ mới (Rhinocort Aqua, Avamis, Nasonex,...) có nhiều ưu điểm đó là kiểm soát tốt các triệu chứng tại mũi: hắt hơi, chảy mũi, ngạt mũi và ngứa mũi. Đồng thời giảm các triệu chứng ngoài mũi như: ngứa mắt, đỏ mắt,... Thuốc có sinh khả dụng thấp, thời gian phân hủy kéo dài nên rất ít ảnh hưởng đến toàn thân, có thể dùng kéo dài và chỉ cần dùng 1 lần trong ngày giúp bệnh nhân dễ dàng tuân thủ điều trị. Các bình xịt cũng được thiết kế cải tiến giúp bệnh nhân dễ dàng sử dụng, ít gây khó chịu cho bệnh nhân.

+ Liệu pháp miễn dịch: Hiện nay tại khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương đang áp dụng điều trị VMDƯ bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu. Đây được coi là “vaccin” trong điều trị bệnh VMDƯ do kích thích cơ thể tạo ra và duy trì kháng thể chống lại yếu tố dị ứng. Tuy nhiên để thuốc phát huy hiệu quả, người bệnh cần kiên trì điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, để phòng viêm mũi dị ứng, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ: tiếp xúc với dị nguyên như bụi nhà, khói, lông chó mèo... Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm, hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng. Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt nếu làm được như vậy sẽ hạn chế nấm mốc phát triển. Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy. Hạn chế đến mức tối đa hút thuốc lá, thuốc lào. Cẩn thận khi thay đổi thời tiết, chú ý giữ vệ sinh mũi, thường xuyên dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lý để rửa mũi, không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi...

Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ, tốt nhất là khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị đúng cách.

TS. Võ Thanh Quang - ThS. Hà Minh Lợi